Đến Chùa Đức La vào một chiều mùa thu. Một cảm giác bình yên khó tả len lỏi vào trong tâm hồn. Chùa nằm sâu trong vòng cung núi, tách biệt giữa cái ồn ào của phố thị. Bước đến chùa, những lối kiến trúc cổ, những cây cổ thụ trùm bóng càng thêm trầm mặc cho cái không gian lúc này.
Chùa Đức La (hay còn được biết đến là chùa Vĩnh Nghiêm) nằm trên một quả đồi thấp tại thông Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Đức La nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 18 km. Có lẽ vì vậy, mà nơi đây không vướng những cái ồn ào, tấp nập của thành thị..

Nơi tu tập của Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân tông
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”
Chùa Đức La là một ngôi chùa linh thiêng, hòn ngọc sáng cho giáo hội Phật giáo Miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chùa được xây dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028) cho tới thời vua Trần Thành Tông (1258-1278), chùa là nơi có nhiều vị cao tăng tu hành. Do đó, chùa đã được tu tạo nguy nga và lộng lẫy hơn. Chùa cũng là nơi mà vua Trần Nhân Tông đến thụ giới và sáng lập nên Thiền phái Phật giáo Việt Nam. Tại chùa Đức La, vua Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa và Huyền Quang đã tạo nên Trúc Lâm Tam Tổ của thiền phái Trúc Lâm.

Phong cảnh thi vị hữu tình
Chùa Đức La nổi bật với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nên thơ. Chùa nằm trên một quả đồi thấp, ở nơi lưu hợp của sông Lục Nam và sông Thương. Bao quanh chùa là núi Cô Tiên. Một vị trí tuyệt vời, giao thoa giữa núi sông. Không ồn ào, nhộn nhịp, đứng ở nơi đây, con người như được hoà mình vào giữa mênh mông trời đất.

Lối kiến trúc cổ kính của chùa Đức La
Chùa Đức La được đặt trên khuôn viên rộng với diện tích khoảng 10000 mét vuông. Mở đầu là cổng Tam Quan và sau đó là Tiền Đường. Bước vào sân chùa, những dấu ấn xưa cũ vẫn còn được lưu trữ hiển hiện ngay trước mắt. Trong đó, tấm bia to 6 mặt năm Hoằng Định được xem là lâu đời nhất.
Chùa Đức La có lối kiến trúc độc đáo, được lưu giữ từ hàng ngàn năm. Chùa có cấu trúc với 4 khối: chùa hình chữ “công”, hai bên có các dãy Tả vu, Hữu vu. Các dãy trong chùa đều rộng rãi gồm 18 gian.

Chùa Đức La còn được biết đến bởi các giá trị điêu khắc tinh xảo, điệu nghệ. Thể hiện rõ nét nhất thông qua hệ thống tượng Phật được sắp xếp ở 3 khối nhà chính: Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất và Nhà Tổ đệ nhị. Bên cạnh đó, trong chùa còn lưu giữ lại nhiều di vật có giá trị. Phải kể đến bức hoành phi – câu đối cùng hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại tiến trình lịch sử và phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm.
Khám phá khu di tích lịch sử đền Hùng – cội nguồn dân tộc Việt
Di Sản Kí Ức Thế Giới
Chùa Đức La là ngôi chùa cổ hàng ngàn năm tuổi, có lịch sử từ thời Lý – Trần. Nơi đây cũng là nơi lữu trữ kho tàng mộc bản kinh Phật cổ quý giá. Bên cạnh đó, còn có các tư liệu ký ức của nhiều đời các vị Tổ sư để lại. Trong đó có thể kể tới: như: “Sadi tăng Sa di li tỉ khiêu lỵ” (348 giới luật), bộ “Yên Tử nhật trình” từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), “Hoa Nghiêm sớ”, “Di Đà sớ”, “Đại thừa chỉ quán”, “Giới kinh ni”… cùng các tài liệu ghi chép về Phật Giáo, sự hình thành của thiền phái Trúc Lâm, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi…
Những giá trị tâm linh, văn hoá giá trị đó đã được cả thế giới ghi nhận. Vào ngày 14-16.5.2012, trong kỳ họp của Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á – thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok, Thái Lan đã công nhận một số mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới.
Xem thêm: [Khám Phá Bắc Giang] Làng nghề Gốm Thổ Hà – hoài niệm một thời vang bóng

Nắng chiều thu ở cửa chùa dần vàng hơn, nhuộm sắc cỏ cây, và những mái ngói đã rêu phong. Tiếng gõ mõ vang lên trong không gian yên ả của chùa Đức La. Một cảm giác thanh bình len lỏi vào sâu trong tâm trí. Mọi ưu phiền như được quên đi, chỉ còn lại tiếng kinh niệm Phật an bình.
Theo dõi Postum Travel để khám phá thêm nhiều địa điểm thú vị tại Bắc Giang!