Từ lâu, vẻ đẹp của Núi Non Nước Ninh Bình đã khiến bao người ngẩn ngơ. Vẻ đẹp “cửa biển non tiên” đã là nguồn cảm hứng cho vô vàn những bài thơ xưa nay. Trong bài viết này, hãy cùng Postum Travel khám phá núi Non Nước thơ mộng này nhé!

Vị trí Núi Non Nước
Núi Non Nước có vị trí nằm ở phía đông Bắc thành phố Ninh Bình trên địa bàn Đinh Tiên Hoàng phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, Việt Nam.
Cách di chuyển đến Núi Non Nước
Thủ đô Hà Nội cách Ninh Bình chỉ khoảng 100 km. Bạn có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện đi lại. Theo ước tính, ô tô sẽ mất khooảng 1 tiếng đồng hồ; xe máy sẽ khoảng 1.5 tiếng. Hoặc du khách cũng có thể lựa chọn đi bằng xe khách. Bạn xe bắt tuyến xe Hà Nội – Ninh Bình tại bến xe Bát Giáp. Giá di chuyển chỉ khoảng 60.000 VNĐ/lượt.
Đến thành phố Ninh Bình, bạn có thể dễ dàng đi tới núi Non Nước. Bởi lẽ, ngọn núi nằm ngay trong thành phố.

Vẻ đẹp núi Non Nước Ninh Bình
Núi Non Nước nằm ở vị trí giao thoa giữa sông Vân và sông Đáy. Ngọn núi của vùng đất cố đô mang vẻ đẹp độc đáo tựa “cảnh tiên nơi cõi tục”. Vì vẻ đẹp đắm say đó mà cụ Trương Hán Siêu đã từng đặt cho ngọn núi này cái tên mĩ miều “Dục Thúy Sơn”. Cái tên này mang ý nghĩa ví ngọn núi mang dang hình tựa chim trả đang tắm trên dòng nước xanh biếc.
“Dục Thúy Sơn” của Ninh Bình còn trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca. Đã có hơn 40 bài thơ được tạc vào vách núi. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều bài vịnh cảnh của các thi sĩ nổi tiếng ngày xưa: Trần Anh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… Mặc dấu vết của thời gian, những tác phẩm ngày đó đến nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn trên cách vách đá.
Qua 100 bậc thang đá, du khách sẽ đặt chân tới đỉnh núi “thơ” của Ninh Bình. Các bậc đá ở đây tương đối nhẵn, dễ dàng cho việc di chuyển. Lên tới đỉnh núi, một khung cảnh bao la, tuyệt đẹp mở ra trước mắt.Màu xanh mát của cây cối, mây trời, sông nước mang lại một sự thư thái.

Những địa điểm thăm quan tại Núi Non Nước
Đền thờ Trương Hán Siêu nằm dưới chân núi
Đền thờ Trương Hán Siêu dưới chân Núi Non Nước. Một bên đền tựa vào vách núi. Bên cạnh là dòng sông Đáy lững lờ trôi. Dòng sông uốn lượn ôm lấy ngôi đền. Cảnh vật thanh bình mà trang nghiêm.
Đền thờ Trương Hán Siêu được thiết kế theo hình chữ đinh. Trên đỉnh đền có hai hình con rồng uy nghiêm cùng nhìn chầu mặt nguyệt.
Tượng thờ Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng đặt ở Hậu Cung. Hàng năm tại đây diễn ra nhiều buổi lễ vinh danh các hoc sinh, sinh viên của tỉnh Ninh Bình đạt thành tích tốt.

Chùa Non Nước e ấp bên sườn núi
Ngôi chùa cổ nằm ẩn mình bên sườn núi từ thời vua Lý Nhân Tông. Gần đây, chùa đã được tu sửa lại mang nét khang trang hơn nhưng vẫn giữ lại vẻ linh thiêng từ bao đời. Chùa Non Nước như một điểm dừng chân yên bình. Nơi đây mang lại cho con người ta cảm giác thanh bình, an yên. Cũng chính vì thế mà càng ngày, chùa Non Nước lại càng thu hút nhiều khách du lịch hơn.

Lầu đón gió trên đỉnh núi
Lầu đón gió (còn được biết đến là Nghinh phong) được đặt trên đỉnh núi Non Nước từ những năm thế kỷ XIV. Nơi đây từng là nơi đàm đạo ngâm thơ, vịnh văn của Trương Hán Siêu và các văn sĩ khác. Đây cũng là nơi du khách có thể thưởng ngoạn cảnh sắc mây trời bao la.

Những điều thú vị của Núi Non Nước Ninh Bình
Ngọn núi sở hữu nhiều tên gọi khác nhau
Ngoài cái tên Non Nước, ngọn núi này còn có nhiều tên gọi khác nhau. Vào thời vua Đinh Tiên Hoàng, ngọn núi như lá chắn cho kinh đô Hoa Lư. Do đó, núi được đặt tên là “Ngự trấn phòng sơn”. Đến thời vua Lê Đại Hành, ngọn núi này lại được đổi tên thành “Băng Sơn”.
Một thời gian sau đó, vào thời Trần, Trương Hán Siêu có việc tại đây và đắm say trước vẻ đẹp của ngọn núi mà đặt tên là “Dục Thúy Sơn”.
Thời Nguyễn, vua Gia Long đổi tên Hoa Lư thành “Thành Hoa Ngoại Trấn”. Ngọn núi do đó lại mang cái tên “Thanh Hoa ngoại trấn sơn”. Và vào thời Minh Mạng, ngọn núi này được đổi lại thành “Hộ Thành Sơn” (Núi Hộ Thành).
Ngọn núi gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng
Sở hữu địa thế thuận lợi giao thoa giữa sông Đáy và sông Vân và nhiều đoạn đường huyết mạch nên núi Non Nước của Ninh Bình được xem là nhân chứng sống cho nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Ở thời nhà nước Đại Cồ Việt, ngọn núi này là trạm tiền tiêu của Hoa Lư. Đây cũng là nơi ghi dấu lại sự chuyển giao quyền lực từ triều đại Đinh sang Tiền Lê.
Ngoài ra, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngọn núi thơ của Ninh Bình được nhiều lần chọn là nơi tập kết của những con người yêu nước, cùng vùng lên chống giặc xâm lược.

Ngọn núi sở hữu nhiều những bài thơ cổ còn lưu truyền trên đá
Cảnh sắc tựa chốn tiên bồng của Núi Non Nước đã là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Hơn 40 bài thơ cùng hàng trăm bài vịnh đến nay còn được lưu truyền trên vách đá mặc dấu vết của thời gian.

Thời điểm lý tưởng nhất để đến Núi Non Nước
“Dục Thúy Sơn” bốn mùa vẫn mang vẻ đẹp nên thơ. Do đó, bạn có thể lựa chọn đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, cuối năm hoặc dịp tết có lẽ là thời điểm lý tưởng nhất. Thời điểm này, khí hậu se lạnh, dễ chịu. Bạn cũng có thể thuận tiện làm lễ tết tại đền và chùa tại đây.
Giá vé tham quan Núi Non Nước
Để tham quan địa điểm này, du khách sẽ cần mua vé để vào. Giá vé chỉ 5.000 VNĐ/ người. Việc tham quan đền thờ Trương Hán Siêu, Lầu đón gió và chùa Non Nước không phải mất vé.
Một số lưu ý khi đến tham quan Núi Non Nước
- Lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo khi đến tham quan bởi vì quanh đây là nơi thờ cúng nghiêm trang.
- Nên đi giày thể thao để giúp việc leo núi dễ dàng hơn.
- Nên chuẩn bị thêm nước uống và thức ăn nhẹ “nạp” năng lượng khi cần thiết.
>> Xem thêm:
Tổng Hợp Kinh Nghiệm Du Lịch Hang Múa Ninh Bình
Vườn Chim Thung Nham Ninh Bình – Điểm Khám Phá Thiên Nhiên Hoang Dã
Với nhiều những giá trị lịch sử và văn hóa, Núi Non Nước đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Đây quả thực là một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất cố đô Ninh Bình.