5 Phong tục kỳ lạ bạn cần lưu ý khi đến Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước có truyền thống dân tộc lâu đời với những quy định, phong tục quán tương đối khắt khe và có phần kì lạ với du khách. Nhìn chung, khi đến Nhật Bản, bạn sẽ không quá bị để ý hay chỉ trích khi không tuân thủ các phong tục tại đây, tuy nhiên nếu như bạn biết cách ứng xử chuẩn mực trước khi đến Nhật Bản thì đó chắc chắn là một lợi thế dành cho bạn. Cùng Postum Travel tìm hiểu ngay 5 quy tắc ứng xử cần lưu ý khi tới thăm Nhật Bản bạn nhé!

Ngồi bắt chéo chân được xem là hành động thô lỗ

Ở Nhật Bản, ngồi bắt chéo chân tại những nơi trang trọng như môi trường kinh doanh, gặp gỡ đối tác được coi là một hành động thô lỗ vì nó khiến người đối diện cảm thấy bạn đang coi thường và tỏ ra mình đẳng cấp hơn họ. Từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được dạy dỗ phải ngồi thẳng lưng, hai chân khép vào nhau và tay đặt trên đầu gối trong các buổi nói chuyện, gặp gỡ bởi họ quan niệm rằng tư thế này chính là biểu hiện của sự khiêm nhường, biết lắng nghe. Nói cách khác, tư thế này chính là hành động thay lời nói “Tôi đang rất tập trung lắng nghe câu chuyện của bạn” một cách khiêm tốn, nhẫn nại.

Vậy, tại sao Nhật Bản lại coi hành động này là thô lỗ trong khi đó ở các nước phương Tây, hành động này được coi là để thể hiện sự tự tin, phong thái và bản lĩnh của người đàm phán? Nhật Bản vốn là đất nước được biết đến với những chiếc chiếu cói tatami hay sàn rơm, vậy nên tư thế ngồi quỳ bằng đầu gối là kiểu ngồi chính thức của đất nước này. Người Nhật cho rằng nếu bạn chĩa chân vào ai đó, họ sẽ không thể ngủ được vì vậy mà việc vắt chân chĩa vào người khác cũng bị lên án là một hành động thô lỗ

Không nói chuyện điện thoại khi sử dụng phương tiện công cộng

Nếu đã có dịp đến Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ thấy một hiện tượng vô cùng kì lạ đó chính là khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, người Nhật rất ít khi nói chuyện điện thoại. Điều nay diễn ra tương tự với cả thang máy, người Nhật thậm chí còn không nói chuyện với nhau mặc kệ cho không khí im lặng bao trùm xung quanh. Người Nhật Bản cho rằng đây là một thói quen tốt vì bạn sẽ không mang chuyện cá nhân của mình ra chốn công cộng để cho mọi người biết.

Nhật Bản là một đất nước nơi mà mọi người luôn suy nghĩ cho cộng đồng, thế giới xung quanh mà hành động, ứng xử một cách thấu đáo. Vì vậy, nếu bạn mang cuộc sống riêng tư của mình ra chốn công cộng, thế giới và cộng đồng xung quanh bạn sẽ vô tình bị thu hẹp trở thành không gian của riêng bạn và điều đó khiến cho người khác vô cùng khó chịu

Nói không với hành động vừa đi vừa ăn

Vừa đi vừa ăn là một thói quen xấu bị lên án ở nhiều quốc gia, tuy nhiên với Nhật Bản thì việc lên án này lại gay gắt hơn bao giờ hết bởi người Nhật vô cùng coi trọng chất lượng, trải nghiệm của bữa ăn. Với người Nhật, bữa ăn được coi là một nghi thức trang trọng, để có thể ngồi và thưởng thức bữa ăn của mình, chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức chính vì vậy việc vừa ăn vừa đi chính là một điều tối kị làm giảm đi mức độ quan trọng của bữa ăn.

Không chỉ bị coi là không phù hợp, việc ăn uống trên đường phố, trong lúc đi bộ ở Nhật Bản là khá bất tiện bởi vì có rất ít những thùng rác công cộng. Nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp một cửa hàng tiện lợi hoặc công viên, nơi bạn tìm được thùng rác, nếu không bạn sẽ bắt buộc phải mang theo rác trong người cả ngày.

Nghi thức tiệc rượu kỳ lạ có một không hai

Đây là một văn hóa dành cho nhân viên khi tiếp rượu với sếp hay cấp trên của họ, một khi ly rượu của sếp cạn, bạn phải rót đầy ly cho họ ngay. Những nhân viên mới sẽ được đào tạo rất kỹ về nghi thức này (điều xảy ra khá thường xuyên ở các công ty truyền thống, kiểu cũ). Bắt nguồn từ tập tục làng xã khi xưa, họ có xu hướng hưởng ứng “theo đám đông”. Mặt khác, tập quán này cũng có thể là do ảnh hưởng của Nho giáo – quy định cấu trúc xã hội theo chiều dọc, nơi mà cấp trên rất được tôn trọng.

Tất nhiên, theo sự vận động của xã hội, trong những năm gần đây phong tục này không còn phổ biến như trước đó, nhưng nếu bạn sang Nhật, bạn cũng nên biết đến điều này.

Luôn mang theo khăn tay trong người 

Hầu hết các phòng vệ sinh công cộng ở Nhật Bản không có khăn tay hoặc máy sấy khô. Nếu bạn đi đến một trung tâm thương mại hoặc một nhà vệ sinh công cộng hiện đại như ở trong trung tâm mua sắm, thì có lẽ sẽ có một máy sấy khô tay tự động. Máy sấy khô tay xuất hiện phổ biến hơn ở những khu vực đông đúc nhộn nhịp tại Tokyo so với các khu vực khác của Nhật Bản. Hầu hết khi bước vào các phòng vệ sinh trong nhà ga và nhà vệ sinh công cộng kiểu cũ, bạn sẽ không thấy có bất cứ thiết bị hay vật dụng gì để làm khô tay. Để tự khắc phục điều này, bạn nên luôn mang theo một chiếc khăn tay nhỏ bên mình.

Khăn tay cũng khá là tiện dụng vào những ngày nắng nóng, khi bạn phải chạy quanh thành phố với mồ hôi nhễ nhại!

Bài viết liên quan